Nguồn: https://www.parent.com/6-waldorf-inspired-principles-every-family-should-adopt/
Tác giả: Sanya Pelini.
Mặc dù không phổ biến bằng phương pháp giáo dục Montessori, Waldorf là một phương pháp giáo dục tập trung vào sự phát triển toàn diện của trẻ. Theo website của các trường Waldorf, chương trình giảng dạy sẽ kết hợp nội dung nghệ thuật, thực hành và kiến thức, tập trung vào các kỹ năng xã hội cũng như những giá trị tinh thần.
Phương pháp giáo dục Waldorf – được truyền cảm hứng bởi triết lý của Rudorf Steiner – bắt đầu từ năm 1919 khi ngôi trường đầu tiên được mở tại Đức dành cho con của những người công nhân trong nhà máy thuốc lá – Waldorf Astoria Cigarette Company.
Ông Steiner tin rằng: “Trẻ con học tốt nhất khi chúng được khuyến khích để dùng trí tưởng tượng của mình. Ông lập luận rằng, giáo dục phải quan tâm đến tất cả các khía cạnh của một đứa trẻ bao gồm: cơ thể vật lý, hành vi, tình cảm, nhận thức, xã hội và tinh thần.
Những nghiên cứu về tác động thực sự của những trường Steiner vẫn chưa có kết luận rõ ràng bởi vì đó là những nghiên cứu quy mô nhỏ và không có khả năng tổng hợp dữ liệu. Các trường cũng bị chỉ trích vì chỉ tập trung vào các học sinh yếu mà bỏ qua nhu cầu của những học sinh giỏi hơn.
Tuy nhiên, có nhiều lợi ích đã được công nhận trong phương pháp giáo dục Waldorf. Cuốn sách “Giáo dục thay thế cho thế kỷ 21” cung cấp những bằng chứng rằng các trường Waldorf thực sự cho phép trẻ em phát triển toàn diện. Những nghiên cứu khác còn cho thấy rằng trẻ em học tại các trường Waldorf háo hức hơn khi học điều mới, vui vẻ và luôn có cái nhìn tích cực về tương lai hơn những đứa trẻ trong những trường công.
Một nghiên cứu gần đây tiến hành tại Đức chỉ ra rằng trẻ em trong trường Waldorf ít phàn nàn về các bệnh như đau đầu, đau bụng và mất ngủ. Một nghiên cứu khác so sánh bức vẽ của trẻ trong trường Waldorf, trường Montessori và các trường truyền thống đã cho thấy rằng trẻ theo giáo dục Waldorf thì có bố cục tốt hơn, giàu trí tưởng tượng hơn và chi tiết hơn.
Phương pháp giáo dục này dựa trên một vài nguyên lý chính. Và đây là 6 nguyên lý mà mỗi gia đình có thể đón nhận:
- Tuổi thơ của trẻ không phải là một cuộc đua
Ông Steiner từng cho rằng: “Cuốn sách nào có thể chỉ cho người thầy biết được việc dạy học là như thế nào? Cuốn sách đó chính là những đứa trẻ. Chúng ta không cần phải học ở đâu xa ngoài chính những đứa trẻ chúng ta đang nuôi nấng, dạy dỗ.”

Trẻ không phát triển theo cùng một cách và cùng một nhịp điệu như nhau. Giáo dục Waldorf dạy cho chúng ta hướng đến nhu cầu của từng đứa trẻ và không mong đợi trẻ trở thành người mà chúng không mong muốn.
- Trở thành một người kể chuyện
Einstein đã từng nói: “Nếu bạn muốn con của mình thông minh, hãy đọc truyện cổ tích. Nếu bạn muốn con mình thông minh hơn, hãy đọc nhiều truyện cổ tích hơn.“

Rudorf Steiner tin rằng việc kể truyện như một món quà, và kể truyện đã giữ một vị trí trung tâm trong triết lý giáo dục Waldorf.
Các câu truyện giúp kết nối trẻ với nhau, dạy trẻ về những từ mới và những câu truyện đem trẻ đến những nơi mà chúng chưa từng đến. Giáo dục Waldorf nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kể truyện hơn là đọc truyện. Những câu truyện giúp xây dựng trí tưởng tượng cho trẻ.
Đối với các bậc phụ huynh, kể một câu truyện có thể khó khăn lúc đầu nhưng dần dần sẽ dễ hơn. Bạn có thể kể một câu truyện ngắn mà bạn nhớ từ thời thơ ấu. Trẻ nhỏ rất thích nghe đi nghe lại một câu truyện trong một khoảng thời gian dài.
- Kết nối với thiên nhiên mỗi ngày
Trẻ sẽ phát triển thông qua những hoạt động thể chất. Chơi ngoài trời giúp thúc đẩy sự sáng tạo của trẻ. Kết nối với thiên nhiên cũng có nghĩa là ta đang dạy trẻ chú ý hơn đến thế giới xung quanh mình. Hãy dạy chúng dành thời gian để ngửi một bông hoa, quan sát về con người và sự vật xung quanh. Thiên nhiên cũng làm cho trẻ cảm thấy yên bình hơn rất nhiều.

Cơ hội để trẻ kết nối với thiên nhiên có rất nhiều như ngồi xuống nhặt một bông hoa, ngửi mùi hương của hoa, tìm kiếm những hòn đá, chụp hình những con côn trùng, nhặt một chiếc lá, chơi với những cây gậy, xây dựng một pháo đài, đào và chơi với cát,…
- Dạy trẻ chơi
Phương pháp giáo dục Steiner dựa trên nguyên tắc những đồ chơi đơn giản nhất sẽ thúc đẩy sự sáng tạo lớn nhất. Ông Steiner nhấn mạnh nhu cầu về những đồ chơi tự nhiên nhất và lập luận rằng đồ chơi nên cung cấp cho trẻ trải nghiệm về cảm giác. Ông tin rằng, khi đồ chơi đơn giản và gợi mở chúng sự sáng tạo của trẻ bởi vì trẻ có thể sử dụng trí tưởng tượng của mình để tạo ra những đồ vật khác.

Giáo dục Waldorf khuyến khích những đồ chơi đơn giản và thân thiện mà mọi người đều có thể có như: quả thông, vỏ sò, khăn lụa, khăn tay, que, gậy, khúc gỗ, sỏi đá, hộp giấy…
- Thiết lập nhịp điệu sinh hoạt
Các buổi sáng ở trường Steiner đều bắt đầu bằng hoạt động Sinh hoạt vòng tròn. Đây là 1 hoạt động đặc biệt khi trẻ cùng nhau hát và đọc bài xướng, vận động một vài động tác và chơi các trò chơi theo chủ đề (ví dụ như theo từng mùa).
Việc thiết lập nhịp điệu sinh hoạt cho trẻ có rất nhiều lợi ích. Những tác giả của cuốn sách Simplicity Parenting (tạm dịch: Làm cha mẹ đơn giản), (tình cờ một trong số tác giả là nhà giáo dục theo phương pháp Waldorf) đã được thuyết phục rằng việc thiết lập thói quen và nhịp điệu hàng ngày tạo cho trẻ cảm giác an toàn. Họ tin tưởng rằng thiết lập nhịp điệu có thể giúp công việc làm cha mẹ trở nên đơn giản hơn và trải nghiệm làm cha mẹ sẽ thoải mái hơn.
- Tạo một không gian cho nghệ thuật
Nghệ thuật là một khía cạnh quan trọng trong phương pháp giáo dục Waldorf.

Tạo một không gian dành cho nghệ thuật có nghĩa là chúng ta cung cấp cho trẻ những khoảnh khắc ngẫu hứng mà trẻ có thể được chơi tự do. Từ đó tính sáng tạo của trẻ được phát triển.
Steiner tin rằng đồ chơi càng ít và càng đơn giản thì trẻ càng sáng tạo. Ông tin rằng việc sắp xếp không gian cho trẻ chơi (đồ chơi nên được xếp gọn trong giỏ hay trên kệ thay vì chồng chất lên nhau) đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Tầm quan trọng của việc tổ chức một không gian chơi cũng là điều được các trường Montessori chia sẻ.
Ông Steiner đã tóm gọn triết lý của mình về phương pháp giáo dục này như sau: “Nỗ lực cao nhất của chúng ta phải là phát triển một con người tự do, những người tự họ có khả năng nhận biết mục đích và định hướng cuộc sống của mình. Trí tưởng tượng, ý thức về lẽ phải và ý thức về trách nhiệm là 3 điều đặc biệt quan trọng trong giáo dục.”