
Nhiều phụ huynh đến Warm Nest hỏi về phương pháp giáo dục mà Warm Nest đang áp dụng là phương pháp giáo dục như thế nào, tại sao chúng tôi phải cho con chúng tôi theo phương pháp này, …. Hôm nay, Warm Nest xin phép được bàn luận về những câu hỏi thường gặp nhất ở Warm Nest: “ phương pháp giáo dục mà Warm Nest đang áp dụng là phương pháp gì?“

Đó là phương pháp Waldorf, mà trên thế giới người ta dùng là Waldorf Education. Ở Việt Nam, chúng ta quen với tên gọi là Steiner. Sở dĩ có tên gọi Steiner là bởi vì phương pháp Waldorf này được phát triển bởi ông Rudolf Steiner. Trên thế giới người ta gọi phương pháp này là phương pháp Waldorf bởi lẽ phương pháp này ra đời do một tỷ phú người Đức đã yêu cầu ông Rudolf Steiner viết phương pháp giáo dục cho trường của con của các công nhân của Nhà máy thuốc lá Waldorf. Vì vậy, trường theo phương pháp Waldorf đầu tiên trên thế giới ra đời từ đó, vào tháng 9 năm 1919 ở thành phố Stuttgart của Đức. Chính vì vậy, Warm Nest xin phép được sử dụng tên gọi của phương pháp giáo dục mà Warm Nest đang áp dụng là Waldorf/Steiner.

Phương pháp giáo dục Waldorf/Steiner là phương pháp giáo dục dành cho sự sáng tạo trong tư duy. Sự sáng tạo trong tư duy của con người được hành thành dựa trên sự giáo dục phù hợp với sự phát triển thuận tự nhiên của trẻ nhỏ. Việc này được chứng minh qua việc áp dụng cách thức “giáo dục” phù hợp với từng độ tuổi của con người. Theo ông Rudolf Steiner, con người để trở thành người trưởng thành thì quá trình giáo dục từ nhỏ được chia thành các giai đoạn phát triển như sau:
Từ 0 – 7 tuổi: đây là giai đoạn mầm non (là giai đoạn phát triển bền vững cho cơ thể vật chất). Trẻ phát triển dựa trên sự bắt chước mà không hề có ý thức/suy nghĩ (imitation without consciousness). Giai đoạn này chính là nền tảng vững chắc để trẻ có thể phát huy tính sáng tạo của mình sau này. Các đồ chơi và vật dụng trong trường Waldorf thường là những miếng gỗ, khúc gỗ, những tấm vải bằng cotton 100% hoặc lụa, những vỏ sò, vỏ ốc, những trái cây khô từ thiên nhiên, những con búp bê được làm từ vải cotton 100% hoặc lụa, … Tất cả những đồ chơi này giúp cho trẻ có thể tự do tưởng tượng trong thế giới mộng tưởng của mình. Sự tưởng tượng (nền tảng của tính sáng tạo) bắt đầu được hình thành từ đây.
+ Ở giai đoạn 3-4 tuổi: Trẻ có thể chơi với một miếng vải và hôm nay miếng vải đó có thể là một em bé bế trên tay nhưng ngày mai cũng miếng vải đó, nó là áo choàng của hoàng tử.
+ Ở giai đoạn 4-5 tuổi: Trẻ có thể bắt đầu gom nhiều đồ chơi lại để tưởng tượng ra việc xây dựng một ngôi nhà, thông qua 1 miếng vải làm mái nhà, ghế hoặc kệ xếp lại gần làm tường, rồi trẻ sẽ sống trong thể giới mộng tưởng của mình bằng cách tự đóng vai ba, rồi làm vai mẹ. Để từ đó, khi trẻ bước vào độ tuổi 5-6, trí tưởng tượng của trẻ phát triển hơn thông qua việc khi nghe kể chuyện, thông qua ngôn từ về câu chuyện, trẻ có thể tưởng tượng nhân vật trong truyện theo cách của riêng mình. Người giáo viên sẽ dùng nhiều mỹ từ để kể chuyện, và với trẻ này, nàng công chúa xinh đẹp trong trí tưởng tượng của mình là người có mái tóc vàng óng ả và mặc môt chiếc áo đầm màu xanh dương, nhưng với trẻ khác, nàng công chúa xinh đẹp trong trí tưởng tượng của mình là người có mái đen như mun và mặc một chiếc áo đầm hồng. Thế giới mộng tưởng và sự tưởng tượng trong giai đoạn này tạo nền tảng vững chắc cho trẻ phát triển tư duy sáng tạo sau này. (các kỳ sắp tới, Warm Nest sẽ thảo luận về đồ chơi, về sinh hoạt, về thức ăn/thực phẩm ở trường Waldorf nói chung và ở Warm Nest nói riêng).
7 – 14 tuổi: đây là giai đoạn tiểu học (là giai đoạn phát triển về tình cảm của trẻ). Trẻ phát triển cảm nhận về đời sống thông qua sự tưởng tượng và các hình thức nghệ thuật. Và điều quan trọng trong giai đoạn này chính là mối quan hệ con người. Trong giai đoạn này, trẻ được học chữ, học toán thông qua sự tưởng tượng. Để bắt đầu học một chữ cái, giáo viên sẽ kể một câu chuyện gợi lên hình ảnh của chữ mà mình muốn dạy (hình ảnh về chữ đươc hình thành trong não trẻ) rồi sẽ có những trò chơi tương ứng để trẻ có thể hình dung rõ hơn về chữ đó và rồi thì trẻ mới bắt đầu viết chữ đó. Đồng thời, trẻ cũng được học những môn học nghệ thuật khác như là thổi sáo, chơi đàn dây, trống, vẽ màu nước và màu sáp, đan len, may vá, …
14 – 21 tuổi: đây là giai đoạn trung học (là giai đoạn phát triển tư duy của trẻ). Trẻ phát triển về tư duy logic. Việc chính của người giáo viên trong giai đoạn này là giúp trẻ phát triển sự nhận định độc lập. Vì vậy, giáo viên không bao giờ đưa ra kết luận về một vấn đề mà luôn đưa ra nhiều khía cạnh khác nhau cho trẻ tiếp cận.
Từ giai đoạn mầm non, trẻ đã được tự do đặt câu hỏi cho mình và tự tìm câu trả lời. Đến giai đoạn tiểu học, trẻ được cảm nhận đời sống thông qua sự tưởng tượng được hình thành từ giai đoạn mầm non và thông qua các hình thức nghệ thuật. Nên đến giai đoạn trung học, trẻ chỉ cần tiếp cận vấn đề từ nhiều khía cạnh đa dạng thì tư duy sáng tạo của trẻ sẽ phát triển bền vững và phù hợp với từng độ tuổi. Đây là sự phát triển thuận tự nhiên, như chúng ta xây một ngôi nhà cần phải làm đi tuần tự các bước làm móng, xây tường rồi mới trang trí. Chúng ta không thể đảo lộn trình tự, xây tường, trang trí rồi mới làm móng hoặc song song vừa làm móng vừa xây tường và trang trí.
Nhiều khảo sát ở Mỹ gần đây cho thấy rằng trẻ lớp 4 thường cảm thấy chán với các môn học bởi vì không có sự mới lạ, vì nội dung học lặp lại kiến thức mầm non. Một giáo sư Mỹ cũng nhận xét rằng sinh viên tốt nghiệp từ trường Waldorf có sự cân bằng và khác biệt rõ rệt so với các bạn đồng trang lứa. Những sinh viên đến từ trường Waldorf đều có cá tính mạnh mẽ và sáng tạo nhưng rất quan tâm đến mọi người xung quanh. Khi những sinh viên này phát biểu trong lớp luôn tạo ra sự ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi người xung quanh. Thông thường các sinh viên có xu hướng thích môn lịch sử thì không thích các môn khoa học. Nhưng những sinh viên đến từ trường Waldorf luôn hứng thú với nhiều môn học khác nhau, như sinh vật, lịch sử, và khoa học, đồng thời.
Với những phân tích trên, Warm Nest tin rằng quý phụ huynh đã có câu trả lời cho riêng mình về lý do tại sao phương pháp Waldorf/Steiner là một lựa chọn giáo dục đáng cân nhắc cho con em mình.