
Một câu chuyện “hay” với trẻ không phải do giọng kể đầy kịch tính, cũng không phải bởi câu chuyện có nhiều tình tiết gay cấn, lại càng không phải vì câu chuyện được minh họa với những hình ảnh sặc sỡ.
Một câu chuyện “hay” với trẻ được kể bởi người chăm sóc và yêu thương trẻ. Câu chuyện ấy được lựa chọn cẩn thận, được đọc kỹ đến khi thấm nhuần nội dung và hình ảnh hiện lên trong đầu người kể. Người kể chuyện thật sự hiện hữu trong không gian và thời điểm kể chuyện cho trẻ.
Ba mẹ cùng tham khảo những chia sẻ của các cô giáo về những cách (còn gọi là “kỹ thuật”) kể chuyện “hay” cho con nghe nhé. Chúng ta cần lưu ý những điều cần chuẩn bị trước khi kể chuyện và việc cần làm trong khi kể chuyện.
- Giai đoạn chuẩn bị
1.1 Chuẩn bị câu chuyện
• Chọn câu chuyện phù hợp độ tuổi
• Đọc hết câu chuyện một lượt để nắm bắt nội dung;
• Đọc lại câu chuyện lần nữa và hình ảnh hoá câu chuyện trong đầu
• Ghi nhớ câu chuyện sau khi đã hình ảnh hoá câu chuyện trong đầu – có thể đọc lại nhiều lần để nhớ cùng hình ảnh.
Thấm câu chuyện tạo nên sự tự tin và cho chúng ta sự thể hiện giọng nói và cử chỉ phù hợp khi kể chuyện.
1.2 Chuẩn bị vật dụng để tạo không gian kể chuyện
Không gian kể chuyện mang đến cảm giác mộng ảo và hỗ trợ trí tưởng tượng cho trẻ. Chúng ta cần:
• Đồ trang trí: sử dụng lụa hoặc vải nhẹ mềm có màu pastel, nến, bình hoa. Nếu diễn rối thì có thể có thêm con rối, những trái thông hoặc vật dụng/đồ chơi tượng trưng phù hợp.
• Nhạc cụ: đàn lyre hoặc xylophone.
• Bài hát pentatonic, bài thơ hoặc trò chơi bàn tay phù hợp để tập trung, ổn định khi bắt đầu.
1.3 Tập dợt
Tập kể câu chuyện vài lần với những đồ trang trí, nhạc cụ, bài hát và trò chơi cho đến khi thuần thục và thực sự “sống” với câu chuyện.
2. Giai đoạn kể chuyện
• Giọng kể trầm ấm nhưng vẫn đảm bảo câu chữ rõ ràng với phát âm chính xác, độ to của giọng kể đủ nghe trong không gian thân mật.
• Không lên giọng hay xuống giọng quá đặc biệt, không cố tạo ra giọng của các nhân vật hay đổi giọng tạo tình huống theo tình tiết. Vì giọng to, cao, mang quá nhiều sắc thái cảm xúc của người lớn sẽ phá hỏng và chen ngang vào sự mơ màng tưởng tượng trong đầu trẻ lúc này, thậm chí còn khiến trẻ sợ hãi và không thoải mái.
• Có một vài cử chỉ đơn giản và nhẹ nhàng để diễn tả câu chuyện. Những cử chỉ này nên được lặp đi lặp lại mỗi khi câu chuyện có những nội dung tương tự được lặp lại. Những cử chỉ này góp phần tạo nên hình ảnh sống động và giúp cho trẻ nhớ câu chuyện một cách dễ dàng.
• Luôn hiện diện và tập trung tinh thần trong quá trình kể chuyện, nhưng không tạo sự căng thẳng cho bản thân mà
phải thực sự thư giãn và thoải mái khi kể chuyện.
• Thuộc lòng và kể đúng câu chuyện trong suốt những lần kể của câu chuyện ấy. Như vậy sẽ giúp cho trẻ dễ nhớ và tạo sự bình yên để trẻ có thể dễ dàng “hấp thụ” câu chuyện.