
Nguồn: Theo Valerie Strauss trong tạp chí “The Washington Post”
Tôi vẫn còn nhớ những ngày chuẩn bị cho con gái lớn của mình đi học mầm non. Tôi mong muốn bồi dưỡng, làm giàu cuộc sống của con bé biết bao nhiêu, bằng bất cứ cách nào có thể – để tạo bước đệm cho con trước khi đi học chính thức. Tôi cho con bé vào học một trường mầm non mang tính chất học thuật – tập trung vào học đọc, học viết và làm toán sớm. Ở nhà, tôi mua cho con bé các trò chơi giải đố đặc biệt, định ra các ngày chơi có tổ chức với trẻ em cùng độ tuổi với con, đọc truyện cho con nghe mỗi đêm, đăng kí cho con học các lớp âm nhạc, lớp múa, và đưa con đến viện bảo tàng địa phương. Bạn tôi và tôi đã tổ chức các “lớp học bồi dưỡng” cho lũ trẻ để thực hành phân loại, màu, đếm số, chữ cái, và thậm chí thực hành việc ngồi! Chúng tôi nghĩ rằng điều này sẽ chuẩn bị cho bé vào lớp mẫu giáo.
Tại sao rất nhiều trẻ em ngày nay không thể ngồi yên trong trường?
Giống như nhiều phụ huynh khác, tôi từng có một nỗi ám ảnh: thành công về học vấn cho con. Chỉ có điều, tôi đã làm điều đó hoàn toàn sai. Vâng, con gái tôi về sau sẽ đạt điểm kiểm tra trên trung bình với các kỹ năng học tập của mình, nhưng con bé đã mất đi các kỹ năng sống quan trọng, các kỹ năng cần phải có mà được nuôi dưỡng trong những năm mẫu giáo. Tiếng chuông thức tỉnh tôi vang lên khi các giáo viên mầm non đến gặp tôi và nói, “Về mặt học tập, con gái bạn rất giỏi. Trên thực tế, tôi muốn nói rằng bé đã vượt quá mong đợi trong các lĩnh vực. Nhưng bé đang gặp phải rắc rối với các kỹ năng xã hội cơ bản như chia sẻ và luân phiên”. Không chỉ có vậy, con gái tôi cũng gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc, mắc phải các chứng lo âu và các vấn đề về cảm giác, và gặp rắc rối khi chỉ đơn giản là chơi một mình!

Tôi chưa biết gì nhiều vào thời điểm đó, nhưng con gái của tôi không phải là người duy nhất phải vật lộn với các kỹ năng xã hội và vấn đề về cảm giác ở một độ tuổi còn quá nhỏ như vậy. Điều này đã trở thành một dịch bệnh đang lan tràn. Vài năm trước, tôi đã phỏng vấn một vị hiệu trưởng có uy tín cao của một trường mầm non khá cấp tiến. Cô đã dạy trẻ mầm non trong khoảng 40 năm và đã nhìn thấy những thay đổi lớn trong sự phát triển xã hội và thể chất của trẻ em trong vài thế hệ trước.
“Trẻ em ngày nay thật khác,” cô bắt đầu nói. Khi tôi nhờ cô ấy làm rõ, cô nói, “Chúng dễ thất vọng hơn. Thường khóc chỉ vì một lý do cỏn con”. Cô ấy cũng quan sát thấy trẻ em thường xuyên té ra khỏi chỗ ngồi của mình, “ít nhất ba lần một ngày, ít tập trung hơn, và chạy va vào nhau và thậm chí va vào cả những bức tường. Điều đó rất lạ. Bạn không bao giờ nhìn thấy những vấn đề này trong quá khứ”.
Cô ấy tiếp tục phàn nàn rằng mặc dù trường học của cô được coi là rất tiến bộ, họ vẫn cảm thấy bị áp lực khi phải hạn chế giờ chơi tự do của trẻ nhiều hơn so với mong muốn của họ, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về sự sẵn sàng về mặt học thuật được kì vọng khi trẻ em bước vào tuổi mẫu giáo.

Các nghiên cứu tiếp tục chỉ ra rằng trẻ em học tốt nhất thông qua những trải nghiệm vui chơi có ý nghĩa, nhưng nhiều trường mầm non đang chuyển từ việc học tập dựa trên vui chơi sang việc học mang tính chất hàn lâm hơn. Mới đây một giáo viên mầm non đã viết thư cho tôi: “Tôi có các trẻ mầm non và thậm chí chính tôi cũng cảm thấy áp lực khi phải thúc ép chúng ở độ tuổi này. Trên hết, giáo viên có rất nhiều áp lực với việc đưa ra tài liệu và bằng chứng về những gì họ làm và lý do tại sao họ làm điều đó, thế là môi trường vui chơi thoải mái phải chịu lép vế. Chúng tôi tiếp tục làm điều tốt nhất có thể vì lợi ích của đứa trẻ, trong khi cố gắng điều chỉnh phù hợp với những giới hạn không ngừng tăng lên mà chúng tôi phải đối mặt. “
Khi cha mẹ và thầy cô cố gắng tạo ra những trải nghiệm học tập ngày càng có cấu trúc rõ ràng cho trẻ (như tôi đã từng làm), các cơ hội để chơi tự do – đặc biệt là ở ngoài trời ngày càng ít được ưu tiên. Trớ trêu thay, thông qua việc tích cực chơi tự do ngoài trời, trẻ em bắt đầu xây dựng rất nhiều kỹ năng sống cơ bản cần thiết để thành công trong nhiều năm tới.
Trong thực tế, đó là quãng thời gian trước 7 tuổi – tuổi theo truyền thống được xem là “tuổi tới trường” – là lúc trẻ em rất cần có nhiều trải nghiệm về cảm giác trên toàn bộ cơ thể hàng ngày để phát triển thể lực và tâm trí vững vàng. Điều này được thực hiện tốt nhất ở ngoài trời, nơi các giác quan được kích hoạt hoàn toàn và cơ thể trẻ được thử thách bởi các địa hình không bằng phẳng và luôn luôn thay đổi, không thể đoán trước.
Giai đoạn mầm non không chỉ để trẻ học thông qua vui chơi, mà còn là một giai đoạn phát triển vô cùng quan trọng. Nếu trẻ không được di chuyển tự nhiên và có trải nghiệm vui chơi, trẻ sẽ gặp bất lợi khi bắt đầu việc học tập.
Nhiều khả năng trẻ sẽ vụng về, gặp khó khăn trong việc chú ý, khó kiểm soát cảm xúc, sử dụng các phương pháp không hiệu quả để giải quyết vấn đề, và có nhiều khó khăn về mặt tương tác xã hội. Chúng tôi liên tục nhận thấy các vấn đề về cảm giác, vận động và nhận thức nảy sinh nhiều hơn và nhiều hơn nữa trong giai đoạn sau của thời thơ ấu, một phần vì trẻ không có đủ cơ hội để di chuyển và chơi đùa trước đó.
Bản năng tự nhiên của người lớn chúng ta là gì khi có vấn đề phát sinh? Là cố gắng sửa chữa các vấn đề mà lẽ ra có thể đã được ngăn chặn ngay từ đầu. Khi trẻ đến trường tiểu học, chúng thực hành các kỹ thuật thở đặc biệt, kỹ năng sao chép, tổ chức các nhóm kỹ năng xã hội, và và sử dụng các bài tập đặc biệt trong một nỗ lực “dạy” trẻ làm thế nào để yên lặng và để cải thiện tập trung.
Tuy nhiên, những kỹ năng này không cần phải dạy, mà là điều đã được phát triển khi còn nhỏ theo cách tự nhiên nhất – thông qua những trải nghiệm vui chơi có ý nghĩa.
Nếu trẻ được trao nhiều cơ hội chơi ngoài trời mỗi ngày với bạn bè, thì các bài tập chuyên ngành hoặc các kỹ thuật thiền định cho người rất trẻ trong xã hội chúng ta sẽ không còn cần thiết nữa. Họ chỉ đơn giản là sẽ phát triển các kỹ năng thông qua chơi đùa. Chỉ vậy thôi. Một điều gì đó không cần phải tốn quá nhiều chi phí hoặc đòi hỏi phải suy nghĩ nhiều. Trẻ chỉ cần thời gian, không gian, và được là trẻ em.
Trải nghiệm học tập mà người lớn định hướng – hãy để sau đi. Trẻ mầm non cần phải được vui chơi!
