LÀ MỘT NGƯỜI LỚN THẦM LẶNG?
September 24, 2024

Dịch từ bài viết “How to Be a Quiet Adult: Five Tips to Encourage Child-Directed Play” của Dr. Screen-Free Mom https://www.screenfreeparenting.com/

Tôi là một bà mẹ của hai đứa trẻ: một bé 2 tuổi và một bé 4 tuổi. Gia đình tôi theo “chủ nghĩa không thiết bị điện tử”. Gần đây, hai con đã khiến tôi vô cùng kinh ngạc. Các con có thể tự chơi vui vẻ hàng giờ.

Điều khiến tôi vô cùng thắc mắc là sự kì diệu đó chỉ xảy ra khi có một mình tôi cùng với lũ trẻ. Chúng không thể tự chơi khi có cô, dì, chú, bác, ông bà và kể cả ba của chúng bên cạnh. Lúc đầu, tôi nghĩ lý do là bởi vì những người lớn khác mang đến cho các con những thứ mới lạ. Còn với tôi, đã quá quen thuộc với các con nên không còn gì mới mẻ để khám phá hay nói vui là “người cũ xì”. Tuy nhiên, sau khi quan sát chúng chơi và suy nghĩ kỹ lại, tôi nhận ra rằng, chúng có thể tự chơi vui vẻ khi ở bên cạnh mẹ bởi hai lý do:

+ Thứ nhất, đúng là tôi hơi giống tuýp người với những “tin tức cũ xì” thật. Hơi buồn, nhưng sự thật là thế.

+ Thứ hai, và có lẽ đây là lý do quan trọng hơn. Đó là khi chơi với con, tôi thường im lặng và để các con tự do khám phá. Hay nói cách khác là tôi đã trở thành một “người lớn thầm lặng”.

Tôi tin rằng, giả thuyết “Người lớn trầm lặng” đóng vai trò vô cùng quan trọng, bởi vì nếu các con tự chơi một cách vui vẻ chỉ vì lí do tôi “cũ xì”, chúng sẽ thậm chí còn vui hơn khi ở với những người thân khác. Nhưng thực tế thì không phải vậy. Hai đứa trẻ thường có những ngày tuyệt vời nhất khi chúng có thời gian chơi một mình và không bị ngắt quãng.

Tất nhiên, tự chơi cũng có giới hạn. Dần dần các con cũng cạn kiệt năng lượng và đến với mẹ. Nhưng với tôi, 1-2 tiếng các con tự chơi đã đủ rồi. Và khi ấy, tôi đã đủ năng lượng và sẵn sàng để đọc sách hoặc đưa chúng ra ngoài chơi.

5 cách để trở thành một “Người lớn thầm lặng”

Tôi nghĩ lại xem mình đã làm gì mà những người thân khác không làm. Tôi nhận ra mình là một “người lớn thầm lặng” khi ở bên các con. Và sau đây là một vài cách để bạn cũng có thể trở thành một người lớn thầm lặng:

1. Chờ đợi

Ở nhà tôi, các con thường chơi dễ nhất vào các khoảng thời gian:

(1) Sau khi chúng làm các việc cần thiết vào buổi sáng.

(2) Sau giờ ngủ trưa.

Khi tôi thấy các con bắt đầu chơi, tôi không hướng dẫn các con cần phải làm gì để chơi cả. Tôi lùi lại và tiếp tục với công việc mà mình cần làm. Tôi để các con tự chìm đắm với trò chơi của mình. Và tất nhiên, điều đó khiến chúng quên mất các thiết bị và đồ chơi điện tử.

2. Ở gần con nhưng vẫn giữ khoảng cách

Tôi chọn một công việc mà mình vẫn có thể hoàn thành khi buộc phải gián đoạn và thường ở cùng tầng lầu với nơi mà các con đã chọn chỗ chơi. Tôi vẫn ở đủ gần để có thể bao quát bằng cách nghe ngóng (điều này cần thiết với đứa nhỏ 2 tuổi) nhưng tôi thường không trực tiếp nhìn chằm chằm vào chúng. Tôi tránh ngồi cùng phòng nơi các con chơi và làm gián đoạn trò chơi của con. Như Maria Montessori nói, “Chơi là một công việc nghiêm túc của tuổi thơ.” Tôi cố gắng tôn trọng điều đó (cả về mặt thể chất lẫn cảm xúc).

3. Không làm gián đoạn trò chơi của con

Tôi không chen vào khi các con đang chơi. Nếu chúng đang chơi ổn thì tôi sẽ để những việc như là thay tã, quay một video đáng yêu về quá trình chơi của hai đứa… để thực hiện sau đó. Tôi cũng giữ nguyên tắc không xen vào khi xảy ra xích mích giữa chúng. Hai đứa thường tự tìm ra cách giải quyết và học được rất nhiều từ những lần thương lượng đó.

4. Bỏ hết mọi thứ muốn nói, muốn dạy con trong lúc chúng đang chơi vào một chiếc túi vô hình

Khi nghe các con chơi, tôi bỏ vào một cái túi vô hình tất cả những điều mà tôi muốn nói, muốn dạy dỗ con hay hành động gì đó. Tôi không muốn làm gián đoạn trò chơi của các con, nên tôi giữ một danh sách những điều mà tôi có thể nói với chúng vào lúc khác.

5. Tối giản âm thanh

Tôi giữ cho bản thân mình yên lặng và không gây chú ý. Tôi không tạo tiếng ồn hay phàn nàn về bất cứ điều gì, ví dụ như “cái máy giặt này ồn quá”. Điều này là bởi vì tôi tuân theo nguyên tắc thứ 3, không làm gián đoạn trò chơi của con.

6. Phản hồi với những nhu cầu của con và đưa thêm

Hai đứa trẻ nhà tôi còn nhỏ vì vậy thỉnh thoảng chúng cần một số thứ khi chơi. Tôi sẽ đưa cho các con một ca nước khi chúng chơi tưởng tượng. Tôi không lờ đi, mà tôn trọng những nhu cầu của con và không đưa thêm bất kì điều gì (ví dụ như hướng dẫn chơi hoặc lời khen ngợi).

Đôi khi trẻ không tự chơi, và có những lúc tự chơi thực sự có hiệu quả.

Có một ngày trong tuần, hai đứa nhỏ đã tự chơi với nhau trong khoảng 3 giờ liên tục. Nhưng ngay sau đó, có vẻ như chúng chẳng thể lấy lại được nhịp và khả năng chơi giống như hôm trước, lúc ấy chúng tôi dành nhiều thời gian để chơi mấy trò chơi cùng bảng và thẻ, đọc sách và chơi vật lộn giả vờ. Tôi cũng chẳng muốn biết lý do vì sao. Tôi tôn trọng quá trình chơi của các con dù cho ngắn hay dài. Chúng tự biết chúng cần gì. Ví dụ như gần đây gia đình tôi có đi du lịch. Sau một ngày dài trong xe hơi, rồi trên máy bay, và lại đi xe hơi tiếp, tôi đã lên kế hoạch ngày hôm sau sẽ tới bể bơi tại khu nghỉ dưỡng. Nhưng, ngay sau bữa sáng, hai đứa nhỏ bắt đầu chơi tại căn hộ mà chúng tôi thuê và không hề dừng chơi cho đến tận khi ăn trưa. Tôi đoán là chúng có khá nhiều thứ phải tiêu hóa vào ngày hôm đó (vì tôi thấy chúng chơi trò “máy bay” trong vài giờ liền).

Một “người lớn thầm lặng” là hãy trở thành một người lớn không có gì thú vị.

Đây là một tuyệt chiêu mà bất cứ người lớn nào cũng có thể học được: hãy khiến bản thân mình ít hấp dẫn hơn trò chơi của con. Ai cũng có thể làm được điều này và nó sẽ giúp bạn có thời gian để hoàn thành những việc khác. Điều này thật sự giúp ích cho con. Nếu bạn có nhiều con, khi chúng chơi với nhau, chúng sẽ học được những kĩ năng xã hội quan trọng. Còn nếu bạn mới chỉ có 1 đứa trẻ, thì con sẽ tự khám phá được niềm vui của mình là gì và học cách tin tưởng vào chính mình.

đăng ký gửi bé

Cảm ơn Anh/Chị đã quan tâm tới các hoạt động của Wam Nest