
Nguồn: How To Teach Your Kids To Care About Other People
Khi những tin tức chia rẽ sâu xa, những lời nói cay độc và những tin tức đáng lo ngại tràn ngập các mặt báo, khiến nhiều người tự hỏi điều gì đã xảy ra với lòng cảm thông và sự tử tế trong xã hội của chúng ta.
Cùng mạch suy nghĩ đó, nhiều bậc cha mẹ đang băn khoăn làm thế nào để nuôi dạy những đứa trẻ sẽ trở thành một sức mạnh của tình yêu và tính thiện khi đối mặt với cay đắng và hận thù.
HuffPost đã nói chuyện với các nhà tâm lý học, phụ huynh và những chuyên gia khác về cách làm thấm nhuần lòng cảm thông bên trong trẻ.
HÃY NÓI BẰNG NGÔN NGỮ CÓ CẢM XÚC VỚI TRẺ
Michele Borba, nhà tâm lý học giáo dục và là tác giả của nhiều cuốn sách về nuôi dạy con cái, trong đó có cuốn “UnSelfie: Tại sao những đứa trẻ đồng cảm lại thành công trong thế giới toàn diện của chúng ta”, từng viết rằng: “Cánh cổng dẫn đến sự đồng cảm là hiểu biết về cảm xúc”.
Một cách đơn giản để nâng cao khả năng hiểu biết về cảm xúc là thúc đẩy giao tiếp mặt đối mặt trong thời đại nhắn tin và điện thoại thông minh. Borba nói: “Những đứa trẻ được nuôi dưỡng theo định hướng kỹ thuật số không nhất thiết học về cảm xúc khi chúng chọn sử dụng các biểu tượng cảm xúc (emojis) trên các thiết bị nhắn tin”. Hãy biến nó thành một nguyên tắc trong nhà bạn, rằng phải luôn nhìn vào màu mắt của người đối diện khi nói chuyện, vì điều đó sẽ giúp con bạn dễ dàng hòa nhập với người khác.
Một cách quan trọng khác là dạy trẻ nhận diện cảm xúc của chúng từ sớm. Laura Dell, trợ lý giáo sư tại Trường Giáo dục của Đại học Cincinnati, khi trao đổi với HuffPost có nói rằng: “Hãy nói bằng ngôn ngữ cảm xúc với trẻ, nói những điều tựa như: “Mẹ thấy con đang bực” hoặc “mẹ thấy con thực sự nỗi cáu” v.v… “
Trước khi trẻ có thể nhận diện và cảm thông với cảm xúc của người khác, chúng cần hiểu cách phát triển cảm xúc của bản thân. Một khi đã có thể nhận diện cảm xúc của mình, trẻ sẽ có thể phát triển tốt hơn những kỹ năng tự điều chỉnh để làm chủ những cảm xúc đó – và sau đó sẽ là thấu hiểu cảm xúc của người khác.
Ravi Rao, nhà giải phẫu thần kinh sau trở thành người dẫn chương trình trẻ em, tin rằng: “Ba mẹ cần dạy con về cảm xúc cũng nhiều như dạy con về màu sắc và chữ số.”

“Bạn sẽ thấy ba mẹ dắt con đi bộ trong công viên luôn tìm từng cơ hội để hỏi trẻ: Chú kia mặc áo màu gì? Xe bus màu gì? Có bao nhiêu cái cây? Bạn cũng có thể thực hành thấu hiểu cảm xúc bằng việc hỏi con những câu như: Con có thấy người phụ nữ đằng kia không? Con thấy cô ấy đang vui hay đang buồn?”
Rao cũng đề nghị chơi trò tại nhà “đoán xem ba/mẹ đang cảm thấy thế nào?” . Trò chơi bắt đầu bằng cách ba mẹ làm những bộ mặt vui buồn và yêu cầu con nhận diện cảm xúc của mình. Trò chơi này giúp tập cho bộ não của con thói quen để ý đến các tín hiệu trên khuôn mặt của người khác.
Khi trẻ đã có cảm quan tốt hơn về cảm xúc và việc bản thân trẻ cảm nhận như thế nào, bạn có thể hỏi con nhận thức về cảm xúc của người khác ra sao. Bạn có thể hỏi những câu như: “Con nghĩ Tommy sẽ cảm nhận như thế nào khi con lấy đồ chơi của bạn? Hoặc Mẹ sẽ rất buồn khi con đánh ba đấy”- bà Borba chia sẻ.
SỬ DỤNG PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG ĐỂ CÓ LỢI CHO CHÍNH MÌNH
“Xem tivi hoặc đọc sách cùng nhau trao cho chúng ta cơ hội to lớn để nuôi dưỡng lòng cảm thông”, theo Madeleine Sherak, một cựu nhà giáo và là tác giả của cuốn ‘CLB Siêu anh hùng (Superheroes Club)’, một cuốn sách thiếu nhi nói về giá trị của sự tử tế.
“Thảo luận về các ví dụ mà các nhân vật thể hiện sự tử tế và cảm thông; và tương tự, thảo luận về những trường hợp khi các nhân vật gây tổn thương và khắc nghiệt, bà gợi ý. Thảo luận các nhân vật có thể đang cảm nhận thế nào và những kịch bản khả dĩ của những tình huống có thể xử lý khác nhau để đảm bảo rằng tất cả các nhân vật đều được đối xử tử tế.”
Borba đề nghị kết hợp với phim ảnh và tác phẩm văn chương tiếp nạp thêm cảm xúc như The Wednesday Surprise, Charlotte’s Web, Harry Potter và Giết Con Chim Nhại (To Kill A Mockingbird).
BA MẸ CŨNG LÀ MỘT HÌNH MẪU CỦA ĐỨC TÍNH BIẾT CẢM THÔNG
“Ba mẹ cần tiến bước và tự mình là một hình mẫu của tính cách biết cảm thông”, Rao lưu ý.
“Trẻ sẽ chọn học theo nhiều hơn những lời bạn nói. Bạn có thể nói: Để ý đến cảm xúc của người khác, nhưng nếu trẻ không nhận thấy hoặc chứng kiến bạn để ý đến cảm xúc của mọi người, thì việc bạn nói sẽ không có tác dụng.” – ông giải thích
Rao nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ba mẹ sử dụng ngôn ngữ để bày tỏ cảm xúc của bản thân bằng cách nói những điều tựa như: “Hôm nay ba/mẹ thực sự rất bực” hoặc “hôm nay ba mẹ thực sự thất vọng”. Họ có thể thực hành tính cách cảm thông khi chơi trò nhập vai với búp bê, cũng như các trò chơi khác với trẻ.
“Ba mẹ cũng cần nhận ra và tôn trọng cảm xúc của trẻ” – Dell nói.
“Để trẻ thể hiện lòng cảm thông trước chúng ta và người khác, chúng ta cần phải thể hiện lòng cảm thông với trẻ” – bà giải thích. “Dĩ nhiên, khi làm cha mẹ, phải mang giầy dép, quần áo cho buổi sáng cùng lúc cho nhiều đứa con để chúng kịp giờ đến trường là điều không dễ dàng. Nhưng thỉnh thoảng, bạn có thể tạo ra sự khác biệt bằng cách dừng lại và nói: ‘Mẹ biết việc không thể xem hết chương trình truyền hình sáng nay khiến con buồn bã, nhưng nếu cố xem cho hết, chúng ta không thể kịp giờ đến trường, mà đến trường đúng giờ là rất quan trọng.”
“Điều đó không có nghĩa bạn phải thỏa mãn mọi ước muốn của trẻ mọi lúc, mà là nhận ra bạn hiểu chúng cảm thấy thế nào trong một tình huống”.

CÔNG NHẬN HÀNH ĐỘNG TỬ TẾ CỦA TRẺ
“Ba mẹ luôn ca ngợi điểm số hoặc những gì trẻ làm được trong thi cử, kiểm tra. Bạn cũng có thể gia tăng tính cách cảm thông của trẻ bằng cách dạy con biết cần phát triển một mindset biết quan tâm”, – Borba nói, bà lưu ý rằng khi trẻ làm những điều tử tế và biết quan tâm, cha mẹ hãy dừng lại một chút để công nhận điều đó.
Hãy nói: “Thật ân cần khi con dừng lại giúp đỡ em nhỏ kia. Con có thấy điều đó khiến em vui thế nào không?” – Borba giải thích. “Điều đó giúp trẻ nhận ra tính cách biết quan tâm thực sự quan trọng, vì ba mẹ hay nhắc đến tính cách đó. Rồi trẻ bắt đầu nhìn nhận bản thân như những người biết quan tâm và hành vi của trẻ sẽ bắt đầu khớp với hình ảnh đó”.
CHO CON BIẾT ĐẾN NHỮNG ĐIỀU KHÁC BIỆT, ĐA DẠNG TRÊN THẾ GIỚI NÀY
“Ba mẹ phải giúp trẻ lớn lên và phát triển trong một xã hội đa dạng thông qua việc giáo dục và hướng đến những người khác biệt, bất kể đó là khác biệt về văn hóa, chủng tộc, tôn giáo, thể chất, lành lặn hay khuyết tật v.v..” – Sherak nói.
“Có rất nhiều cách để đưa con cái chúng ta vào môi trường đa dạng của thế giới này – bằng cách đọc sách, xem phim, theo dõi các show truyền hình, ăn uống tại nhà hàng với các món đến từ những nền văn hóa khác nhau, viếng thăm bảo tàng, trở thành tình nguyện viên trong cộng đồng, tham dự các sự kiện được tổ chức bởi các nhóm dân tộc và tôn giáo khác v.v..”

“Cũng rất cần kèm theo những cuộc viếng thăm và những hoạt động trên với thảo luận mở, những câu hỏi bổ sung và quan sát, nếu có”, bà Sherak cho biết. “Việc thảo luận về khác biệt trong văn cảnh là môi trường và trải nghiệm của chính các con cũng rất giá trị: trong nhà, ở trường, hàng xóm và trong cộng đồng mở rộng”.
“Ba mẹ cũng có thể thúc đẩy các trường học địa phương khuyến khích ý thức giao lưu văn hóa trong chương trình giảng dạy của họ”, Rao nói.
“Chúng ta cũng phải loại bỏ những truyện cười đùa cợt về chủng tộc và văn hóa trong nhà mình“, ông bổ sung. “Có thể ngày nay những truyện cười đùa cợt về chủng tộc như Archie Bunker trông có vẻ chấp nhận được và các thành viên trong gia đình, họ hàng chúng ta thường đùa khi có dịp hội họp trong các kỳ nghỉ. Nhưng điều đó thực sự làm xói mòn lòng cảm thông nếu những suy nghĩ đầu tiên trẻ học về một chủng tộc hoặc một nhóm người là điều gì đó xúc phạm được học bởi đùa cợt. Có thể điều đó sẽ gây khó khăn cho trẻ, vì thế hãy vượt qua sự cười cợt bằng những thông điệp tích cực.”
NHÌN NHẬN SAI LẦM CỦA BẢN THÂN
“Nếu bạn phạm sai lầm đối xử không tốt với ai đó không xếp hàng ở quầy tính tiền chẳng hạn, tôi nghĩ bạn nên thừa nhận sai lầm đó với trẻ” – Dell nói. Sau khoảnh khắc tồi tệ, ba mẹ có thể nói điều gì đó tựa như: “Wow, ba mẹ nghĩ cô ấy mang rất nhiều đồ trên tay. Có rất nhiều người ở cửa hàng lúc đó. Lẽ ra ba mẹ nên tử tế hơn một chút”.
Thừa nhận và nói về những thiếu sót trong khả năng cảm thông khi con bạn đã ở đó chứng kiến tạo một ấn tượng. “Con bạn quan sát, nhìn thấy tất cả” – Dell giải thích, “hãy thú nhận những khoảnh khắc đó bạn đã có thể thực hiện lựa chọn tốt hơn, tử tế hơn với những người xung quanh mình”.
BIẾN “TỬ TẾ” THÀNH “HOẠT ĐỘNG HIỂN NHIÊN TRONG GIA ĐÌNH“
Gia đình có thể tôn tính cách tử tế lên hàng ưu tiên với những thói quen nhỏ như sử dụng thời gian dùng cơm mỗi tối yêu cầu từng người chia sẻ hai điều tử tế họ đã làm, hoặc viết xuống những cách đơn giản để biết quan tâm hơn mà họ có thể thảo luận cùng nhau – bà Borba cho biết. Chơi các board game cũng là một cách để học làm thế nào để đồng hành cùng mọi người.

Bà Borba cũng đề nghị gia đình tham gia hoạt động tình nguyện cùng nhau hoặc tìm ra những cách mà trẻ sẽ hân hoan với việc cho đi.
“Nếu con bạn là một thần đồng thể thao thì việc giúp cậu bé làm những món đồ nghệ thuật và thủ công với một đứa trẻ có ít lợi thế hơn có thể không phải là cuộc thi đấu thích hợp, nhưng bạn có thể tìm ra những cơ hội khác để mặt đối mặt cho cuộc thi đấu như vậy có được mối quan tâm của chúng”, bà giải thích. “Giúp chúng nhận ra cuộc sống cho đi thì tốt hơn thu nhận”.
Các gia đình cũng có thể xem xét việc viết xuống những tuyên ngôn nhiệm vụ của chính họ, đó là lời đề nghị từ nhà tâm lý phát triển Thomas Lickona, tác giả của quyển sách Làm cách nào để nuôi lớn những đứa trẻ tử tế: Và nhận được sự tôn trọng, lòng biết ơn, và một gia đình hành phúc hơn.
“Đó là một bộ tuyên ngôn thể hiện giá trị và phẩm chất bạn chấp nhận sẽ sống cùng chúng – chẳng hạn, ‘Chúng ta thể hiện sự tử tế thông qua ái ngữ và hành động tử tế’; ‘Chúng ta nói xin lỗi khi chúng ta làm tổn thương cảm xúc của một ai đó’; ‘Chúng ta tha thứ và làm hòa sau khi chúng ta đã lỡ có một cuộc chiến’.” – ông giải thích.
Lickona cũng đề nghị xem xét trách nhiệm của tất cả thành viên dành cho các giá trị gia đình ở cuộc họp gia đình với những câu hỏi xoay quanh như: “Chúng ta đã sử dụng từ ngữ tử tế như thế nào trong tuần qua?” và “Điều gì giúp chúng ta không nói những lời thiếu tử tế ngay cả khi chúng ta không vui với một ai đó?”
“Khi trẻ lỡ nói năng không tử tế – hãy nhẹ nhàng yêu cầu trẻ ‘làm lại’. Ông nói: “Cách nào tử tế hơn con có thể nói chuyện với em/chị? Làm rõ ràng bạn đang yêu cầu trẻ làm lại không phải nhằm khiến chúng xấu hổ, mà cho chúng cơ hội thể hiện rằng chúng biết cách nói chuyện tốt hơn. Và hãy nhớ cảm ơn sau khi chúng thực hiện.”

Một lời khuyên khác từ Lickona: Hãy nhìn xung quanh.
Ông nói: “Ngay cả trong nền văn hóa mài mòn, giận dữ và thường bạo lực ngày nay, vẫn có những hành động tử tế xung quanh chúng ta. Chúng ta nên chỉ ra những điều này cho con cái mình”. Chúng ta nên giải thích những lời nói tử tế và hành động tử tế, dù nhỏ đến đâu cho con như giữ cửa cho ai đó, hay nói ‘cảm ơn’ với người đã giúp đỡ chúng ta – sẽ tạo ra một tác động to lớn lên chất lượng cuộc sống mà chúng ta cùng nhau chia sẻ.