![](https://warmnest.edu.vn/wp-content/uploads/2024/02/MAU-THUAN-VA-XUNG-DOT-LA-CHUYEN-BINH-THUONG-990x1024.jpg)
Nhiều ba mẹ cảm thấy lo lắng khi thấy những đứa trẻ tranh giành đồ chơi hoặc làm đau nhau, và thật khó để ba mẹ chấp nhận những tình huống này xảy ra tại nhà trẻ. Không ai muốn con mình trở thành nạn nhân hay là người khơi mào những cuộc xung đột. Chuyện trẻ giật tóc, cắn nhau, cho bạn ra rìa luôn khiến cha mẹ và cả giáo viên suy nghĩ.
![](https://warmnest.edu.vn/wp-content/uploads/2024/02/MAU-THUAN-VA-XUNG-DOT-LA-CHUYEN-BINH-THUONG-990x1024.jpg)
Chúng ta đều mong muốn thấy các con hạnh phúc khi chơi cùng nhau trong một không khí hòa nhã. Bất kỳ phụ huynh nào cũng muốn con mình học cách chia sẻ đồ chơi, xin lỗi khi làm tổn thương người khác, và biết làm thế nào để an ủi và hỗ trợ những người yếu thế hơn. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng muốn bao quanh con là một môi trường thật yên bình, không có bất cứ mầm mống nào của sự xung đột. Những mong muốn này thoạt nghe tưởng chừng là một, nhưng nếu suy nghĩ kỹ chúng ta sẽ thấy chúng khó mà diễn ra cùng một lúc.
![](https://warmnest.edu.vn/wp-content/uploads/2024/02/MAU-THUAN-VA-XUNG-DOT-LA-CHUYEN-BINH-THUONG-01-1-1024x683.png)
Trong vai trò là người lớn, bằng cách cung cấp sự hướng dẫn và hỗ trợ, chúng ta có thể bình tĩnh xem xung đột là cơ hội để trẻ học các kỹ năng giải quyết vấn đề. Dĩ nhiên, không vì tạo thêm cơ hội rèn luyện kỹ năng mà chúng ta cố tình tạo ra những tình huống để trẻ gặp thêm khó khăn hoặc rơi vào mâu thuẫn. Những tình huống này phải tự nhiên xảy đến với con. Việc chúng ta cần là thấu hiểu và tin tưởng con; tạo không gian an toàn để con tự trải nghiệm cuộc sống thật sự. Cha mẹ và giáo viên hãy luôn ở vị trí là người quan sát, chỉ can thiệp vừa đủ, luôn sẵn sàng đưa ra gợi ý phù hợp khi cần thiết, để con có thể tự giải quyết vấn đề theo cách riêng của mình. Như vậy trẻ sẽ chủ động và cảm thấy hài lòng với chính mình, với người lớn và với người bạn có mâu thuẫn với mình.
Trẻ rồi sẽ phải ở trong một tình huống xung đột nào đấy, cũng như người lớn chúng ta không tránh khỏi mâu thuẫn quan điểm với ai khác cho dù cố “dĩ hòa vi quý”. Bởi mâu thuẫn – xung đột là một phần thiết yếu để cả trẻ và chúng ta học những kỹ năng giao tiếp xã hội.
![](https://warmnest.edu.vn/wp-content/uploads/2023/12/warm-nest-lop-hoc-31-1024x683.jpg)
Khi quá lo lắng và đưa ra những giả định về việc trẻ sẽ làm tổn thương lẫn nhau, người lớn chúng ta sẽ không còn đủ sáng suốt để đưa ra những quyết định và hành động đúng đắn. Thậm chí, có thể chúng ta còn làm cho tình huống trở nên căng thẳng hơn bởi thái độ nghiêm trọng thái quá của mình. Cách mà người lớn chúng ta phản ứng hoặc tham gia vào những tranh chấp của trẻ sẽ ảnh hưởng lên cách trẻ giải quyết tình huống. Nếu không tinh tế và khéo léo, đôi khi chúng ta vô tình biến trẻ thành nạn nhân hoặc kẻ gây sự bởi vì chúng ta không quan sát ngay từ đầu hay chưa thật sự hiểu trẻ nghĩ gì qua những hành động. Sự thiết sót này sẽ dẫn đến nhận định sai và gây tổn thương tâm lý cho các con. Thời điểm, mức độ và cách thức mà chúng ta can thiệp vào tình huống xung đột sẽ ảnh hưởng lên bản tính cũng như thực lực của trẻ. Chính vì vậy, chúng ta cần học cách chấp nhận và đứng bên ngoài những tình huống xung đột xảy ra giữa trẻ, để các con có cơ hội tự giải quyết với nhau, qua đó những kỹ năng xã hội của các con dần thành hình và phát triển.
Nhìn theo khía cạnh tích cực, chúng ta thấy những điều học được từ xung đột và cách giải quyết mâu thuẫn giúp con nhận định được hệ quả việc làm và qua đó dần hình thành nền tảng trách nhiệm với mọi người, với thế giới xung quanh. Để đến được bước tiến xa ấy, người lớn chúng ta hãy đồng hành cùng con trong tâm thái bình tĩnh, an tại từ những lúc con còn ấu thơ.