NẤU ĂN CÙNG CON


Trẻ rất thích bắt chước người lớn. Đôi khi trẻ tỏ ra chán những đồ chơi của mình và thích “chạm” vào thế giới người lớn bằng việc táy máy vào đồ vật của bố mẹ và bắt chước các hành động của bố mẹ. Vì vậy, hãy sắp xếp để trẻ tham gia một hoạt động thực tế cùng với chúng ta thay vì để trẻ tự chơi với đống đồ chơi của mình.


Một trong số các hoạt động mà trẻ rất hứng thú đó là được nấu ăn cùng với người lớn. Thật là thú vị khi được làm việc cùng với dao thật, thớt thật, đồ ăn thật thay vì những nồi niêu xoong chảo đồ chơi thu nhỏ, những miếng trứng ốp la hoặc rau củ bằng nhựa.

Những dịp cuối tuần, hãy tập cho trẻ vào bếp cùng với bố mẹ. Các con sẽ trở thành phụ bếp chuyên nghiệp đấy. Khi nấu ăn cùng bố mẹ, trẻ không chỉ vui vì được làm việc của người lớn, mà qua đó trẻ sẽ học được rất nhiều điều.

  • Trẻ sẽ phân biệt, cảm nhận được to – nhỏ, ít – nhiều, nóng năng của trẻ – lạnh – ấm, cứng – mềm, nặng – nhẹ.
  • Trẻ sẽ phát huy được trí tưởng tượng, sự khéo léo của đôi tay thông qua việc nhào nặn bánh, cắt thái rau củ,..
  • Qua việc nấu ăn trẻ sẽ nhìn thấy và cảm nhận cả một quá trình từ lúc bắt đầu cho tới khi món ăn được làm ra. Đổi với trẻ điều đó thật kỳ diệu.
  • Mùi thơm của đồ ăn trong lúc nấu sẽ làm cho cả bố mẹ và trẻ đều hạnh phúc

Tất nhiên chúng ta sẽ thấy nấu ăn cùng trẻ khó khăn và mất thời gian hơn nhiều so với việc tự mình làm tất cả. Đó là lý do mà hầu hết người lớn đều muốn “Thôi để mình tự làm cho nhanh”. Sau đây là một số kinh nghiệm của các cô giáo thường xuyên nấu ăn với trẻ tại lớp chia sẻ lại, để bố mẹ có thể nấu ăn tại nhà cùng con nhẹ nhàng hơn:

1. Viết ra những việc mà bố mẹ đồng ý cho con giúp khi vào bếp.

Đây là những việc mà trẻ mầm non, đặc biệt là các bạn 4.5 – 6 tuổi có thể làm được,thậm chí là làm rất tốt. Chẳng hạn như :
Rửa – gọt vỏ – cắt thái rau củ quả;
Trộn bột làm bánh, nặn/ tạo hình bánh;
Phụ lấy các loại gia vị, phụ nêm nếm gia vị.


2. Chuẩn bị để con có thể phụ giúp bố mẹ tốt nhất trong khả của trẻ

Nếu bố mẹ muốn con phụ cắt rau củ, hãy chuẩn bị cho con 1 cái thớt, 1 con dao đủ sắc và vừa với tay cầm của con. Những củ quả lớn, cứng ngoài khả năng cầm và lực cắt của con, hãy cắt thành miếng vừa tầm với con. Hãy làm mẫu và đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho con, cho con biết bố mẹ muốn con làm gì.

VD: “Mẹ/Bố sẽ cắt rau củ thành miếng vừa, và con sẽ cắt thành miếng nhỏ giúp mẹ/bố nhé” – vừa làm, bố mẹ vừa đưa ra kích thước rau củ mong muốn để trẻ bắt chước.

Nếu bố mẹ muốn con lấy gia vị giúp, hãy chắc chắn rằng chỗ để gia vị con có thể chạm tới một cách an toàn, và con có thể phân biệt được các loại gia vị thông qua hình dáng màu sắc của chai đựng gia vị.

Hãy chắc chắn về việc này nếu bố mẹ không muốn bực mình vì con không thể tìm thấy chính xác hũ nào là hũ đường và bố mẹ phải tự đứng dậy đi lấy. Hoặc đôi khi con có thể làm đổ đồ đạc vì cố gắng lấy thứ bố mẹ nhờ và thứ đó được đặt ngoài tầm của con

– Chuẩn bị những dụng cụ đo lường như ly, muỗng/thìa với các size khác nhau để con có thể giúp bố mẹ nêm nếm gia vị. Sẽ khó cho con khi bố mẹ nhờ lấy giúp “một ít” muối hay “một ít” đường. “Một ít” là một khái niệm vô cùng trừu tượng với trẻ, thay vào đó hãy nói “múc thêm giúp mẹ/bố một muỗng đường vào tô này”.
– Nếu bồn rửa bát quá cao với con, hãy chuẩn bị một cái đôn, hoặc cái ghế thật chắc chắn để con có thể đứng lên cho vừa tầm. Trẻ sẽ có thể phụ rửa rau củ hoặc chén đĩa.
– Những thứ có thể gây nguy hiểm cho con trẻ, hãy để vào chỗ an toàn và trẻ không thể đụng tới (dao sắc, nước nóng, bếp lửa,…). Hãy chắc chắn rằng con luôn được an toàn.

3. Tinh thần của bố mẹ khi vào bếp cùng con


Giữ tinh thần vui vẻ, luôn khích lệ con.
Nếu con chưa thể thái hạt lựu với kích thước mong muốn cũng không sao. Khi con lớn hơn, cơ thể phát triển hoàn thiện, chắc chắn con sẽ làm được giống và tốt hơn bố mẹ.
Sẽ có những tình huống không mong muốn xảy ra.
Ví dụ con làm tràn nước ra sàn khi phụ rửa rau củ, bột văng tung tóe, con cắt trúng tay,… Bố mẹ hãy bình tĩnh để xử lý và tiếp tục cho con phụ giúp mình.
Bố mẹ có thể hình dung ra những tình huống này và cách xử lý trước khi cho con vào bếp để “giảm sock”. Đừng vì những việc này mà yêu cầu con đi ra khỏi bếp. Lần đầu lúc nào cũng khó khăn, nhưng nếu bạn kiên nhẫn hướng dẫn, những lần sau con sẽ làm rất tốt, thậm chí có thể sẽ khiến bố mẹ ngạc nhiên vì sự trưởng thành của con.
Hãy luôn nhớ: “Không ai làm tốt ngay từ đầu”
Nếu muốn chụp hình, hãy cắt cử 1 người trong nhà lưu giữ khoảnh khắc đẹp khi trẻ vào bếp với bạn.
Đừng để mọi việc mất vui vì chiếc điện thoại bị rớt vào bồn rửa bát hoặc dính đầy bột mì vì bạn cổ chụp hình với con trong lúc đang nấu ăn.

đăng ký gửi bé

Cảm ơn Anh/Chị đã quan tâm tới các hoạt động của Wam Nest