Vẽ - Kể chuyện – Đọc thơ – Âm nhạc
August 20, 2024

Phillip Pullman, người nhận giải Astrid Lindgren Memorial năm 2015 phát biểu như sau:

Trẻ cần được vẽ, kể chuyện, đọc thơ và âm nhạc giống như nhu cầu cần được cho ăn, được yêu thương, được hít thở không khí trong lành và được vui chơi.

Nếu bạn không cho trẻ ăn, bạn sẽ thấy kết quả ngay vì trẻ đói sẽ rất mệt mỏi. Nếu trẻ không được hít thở không khí trong lành và được vui chơi, bạn cũng sẽ thấy hậu quả nhưng không nhanh như việc bạn không cho trẻ ăn. Nếu bạn không yêu thương trẻ, hậu quả có thể không thể hiện trong một vài năm gần, nhưng thật ra sự tổn thương mà trẻ vô tình nhận được là mãi mãi.

Nếu bạn không để trẻ được vẽ, không kể chuyện, đọc thơ hay hát cho trẻ nghe, hậu quả không dễ để nhìn thấy. Nhưng mối nguy vẫn tồn tại và vẫn ở đấy. Trẻ vẫn phát triển cơ thể vật chất khỏe mạnh; trẻ vẫn có thể chạy nhảy, bơi lội, ăn uống và gây ồn ào như những trẻ bình thường khác; nhưng thật ra một vài điều đang mất dần đi.

Sự thật là vẫn có những người lớn lên mà chưa bao giờ tiếp xúc với nghệ thuật dưới bất kỳ hình thức nào, và họ vẫn hoàn toàn hạnh phúc, vẫn tận hưởng một cuộc sống chất lượng và giá trị. Trong ngôi nhà của họ không có sách, họ cũng không quan tâm đến tranh ảnh, và họ không cảm nhận được những nốt nhạc. Điều đó thì vẫn ổn. Tôi biết nhiều người giống vậy. Họ là những hàng xóm tốt bụng và cũng là những công dân tử tế.

Nhưng đối với một vài người khác, tại một thời điểm trong thời thơ ấu hoặc thời niên thiếu, hoặc ở giai đoạn trưởng thành hơn, họ bắt gặp một vài thứ mà họ chưa bao giờ mơ tới. Điều đó xa lạ đối với họ giống như là bóng tối của mặt trăng. Nhưng vào một ngày họ nghe một giọng đọc thơ trên đài radio, hoặc khi họ đi ngang qua ngôi nhà nào đó đang mở cửa sổ và tiếng piano vọng ra, hoặc khi họ nhìn thấy một tấm áp-phích (poster) của một bức tranh đặc biệt trên tường nhà ai đó, và điều này thổi một luồng gió mạnh khiến họ cảm thấy chóng mặt. Không có gì chuẩn bị trước cho điều này. Họ bất ngờ nhận ra rằng mình bị lấp đầy bởi cơn đói, mặc dù họ không có ý tưởng gì ngay trước đó 1 phút, cơn đói đồ ngọt hoặc món ăn ngon cũng làm trái tim họ đau. Họ thậm chí khóc, họ cảm thấy buồn và hạnh phúc, cô đơn và được hoan nghênh bởi trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ và lạ lẫm này, và họ đến gần hơn để nghe đài đọc thơ, họ nán lại nơi cửa sổ lâu hơn để nghe tiếng piano, và không thể rời mắt khỏi tấm áp-phích (poster). Họ muốn điều này, họ cần điều này như một người đói cần đồ ăn, và họ không bao giờ biết nhu cầu này của mình. Họ không có ý thức về điều này.


Điều này giống như là việc trẻ cần âm nhạc hoặc hội họa hay thơ ca đến với mình một cách tình cờ. Nếu không có cơ hội thì trẻ có thể sẽ không bao giờ được gặp hoặc cả cuộc đời sống trong tình trạng “đói văn hóa” mà không nhận thức rằng mình đang thiếu. Ảnh hưởng của “đói văn hóa” thì không thể hiện nhanh chóng và sự ảnh hưởng này không dễ nhận ra.

Giống như tôi đã nói, một vài người tử tế và tốt bụng chỉ là chưa bao giờ trải nghiệm qua những yếu tố văn hóa này, họ lớn lên và trưởng thành hoàn toàn mà không có hoặc chưa bao giờ tiếp xúc. Nếu tất cả sách, âm nhạc và tranh vẽ trên thế giới này biến mất, họ cũng không cảm thấy tồi tệ, và họ thậm chí cũng không nhận thấy điều này xảy ra.

Chính xác là mỗi đứa trẻ đều có quyền ăn, quyền ở, quyền được giáo dục, quyền được điều trị y tế, và rất nhiều quyền khác nữa. Và chúng ta phải hiểu rằng trẻ có quyền trải nghiệm văn hóa. Chúng ta phải hiểu rõ rằng không có những câu chuyện, bài thơ, bức tranh và âm nhạc, trẻ sẽ “đói”.

Nguồn: Theo Astrid Lindgren Memorial Award

đăng ký gửi bé

Cảm ơn Anh/Chị đã quan tâm tới các hoạt động của Wam Nest