GIẢI MÃ HUYỀN THOẠI: DẠY ĐỌC Ở TRƯỜNG WALDORF

Nguồn: Bella Luna Toys Blog; Myth Busting, How Reading Is Taught in a Waldorf School

Giới thiệu: Waldorfeducation.org

Dịch bởi Warm Nest

Không lâu sau khi phát hiện Waldorf education, tôi có cuộc đối thoại với một người bạn. Con gái cô và con trai tôi đều sắp đến tuổi đi nhà trẻ. Chúng tôi sống ở Los Angeles nơi mà việc gửi trẻ vào ‘đúng’ trường mẫu giáo cũng quan trọng như được nhận vào đại học Harvard hoặc Yale vậy.

“Bạn đã cân nhắc gửi con vào trường Waldorf chưa?” tôi hỏi cô.

“À, chúng tôi có xem xét, nhưng đã quyết định gạt sang một bên vì họ không tin vào sách vở. Mà chúng tôi là một gia đình rất-thích-đọc (family of readers)”, bạn tôi nhấn mạnh.

Tôi ngạc nhiên. Có phải bạn tôi nghĩ cả hai vợ chồng tôi – đều là sinh viên tốt nghiệp, không đánh giá cao sách vở hay việc đọc?

Tôi biết môn đọc không được dạy chính thức trong trường mẫu giáo Waldorf, và tôi nghe nói những đứa trẻ tự thiết kế sách giáo khoa riêng cho chúng. Nhưng trong công cuộc tìm hiểu của mình, tôi chưa hề nghe nói các trường Waldorf chống lại sách vở (anti-books). Tôi nhận ra quan niệm của bạn mình là một trong những quan niệm sai lầm phổ biến về phương pháp Waldorf.

Mấy năm sau, tôi không những ghi danh cho con trai vào trường Waldorf, mà còn ghi danh tham gia các khóa đào tạo giáo viên và bắt đầu hiểu sâu hơn về việc dạy đọc ở đây. Tôi hy vọng những hiểu biết tôi thu được có thể giúp đỡ một vài người trong số các bạn, là những phụ huynh có thể đang cân nhắc áp dụng phương pháp này.

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NGÔN NGỮ

Trong lịch sử tiến hóa của nhân loại, tiếng nói được phát triển trước, rồi đến chữ viết, mà ban đầu chỉ là biểu tượng – chữ tượng hình. Cuối cùng mới xuất hiện hình thức ký tự của ngày hôm nay mà chúng ta học để biết đọc.

Đây chính xác là trình tự mà trẻ làm chủ ngôn ngữ, và cũng là trình tự được dạy trong giáo dục Waldorf. Từ sơ sinh đến bảy tuổi, trọng tâm sẽ đặt trên ngôn ngữ nói.

Trẻ nghe kể chuyện – những câu chuyện thiếu nhi, truyện thiên nhiên, truyện dân gian và cổ tích. Thầy cô sẽ sử dụng ngôn ngữ gốc của truyện cổ tích một cách cẩn thận, không biến tấu chúng trở nên nhẹ nhàng hoặc giản lược hơn. Thầy cô Waldorf sẽ đọc rõ, phát âm cẩn thận. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều sau này – khi trẻ học viết và đánh vần.

Ở giai đoạn mẫu giáo, ngôn ngữ được dạy thông qua kể chuyện và sinh hoạt vòng tròn: Bài hát, câu xướng, nhịp điệu, lời thơ… tất cả được kết hợp. Bề ngoài giống như chỉ là chơi đùa, nhưng kỹ năng ngôn ngữ của các bé lại đang được phát triển từng ngày.

SỰ LẶP LẠI

Với chu trình thời gian được lập lại từng vòng hai đến ba tuần, trẻ sẽ thuộc lòng các bài hát và những câu ca & có thể ghi nhớ chúng suốt đời.

Rudolf Steiner, người sáng lập Waldorf education, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự lặp lại khi ông phát triển trường Waldorf đầu tiên ở Đức vào những năm 1920. Những nghiên cứu về não gần đây cũng xác nhận sự lặp lại hỗ trợ sự phát triển não bộ của trẻ. Các liên kết của hàng tỷ đường truyền thần kinh trong não sẽ được tăng cường bởi những kinh nghiệm được lặp đi lặp lại.

ĐỌC

Những người đến thăm trường mẫu giáo Waldorf có thể để ý thấy trẻ không được dạy bảng chữ cái. Trẻ không nhận giấy bài tập hoặc luyện đọc bằng sách giáo khoa. Thầy cô của giáo dục Waldorf biết rằng kỹ năng ngôn ngữ được xây dựng thông qua sự lặp lại của những câu chuyện kể, những bài hát và câu thơ. Thầy cô chuẩn bị cho trẻ đọc và viết thông qua ngôn ngữ nói.

Mặt khác, người quan sát có thể sẽ ấn tượng với khả năng ngôn ngữ chớm nở của các bé; vốn từ vựng, số lượng các bài thơ và truyện kể mà các bé có thể diễn đọc.

Bên cạnh phát triển ngôn ngữ nói, thầy cô cũng xây dựng những kỹ năng vận động tinh tế của trẻ – thông qua các hoạt động như vẽ, đan tay, may vá, chuẩn bị trẻ cho giai đoạn tiếp theo của sự phát triển ngôn ngữ: Viết.

VIẾT

Xuyên suốt lớp một mới là lúc mà bảng chữ cái được chính thức giới thiệu đến các bé, nhưng trong một phương pháp có sự liên tưởng và hình dung. Hãy nghĩ lại về những chữ tượng hình đã được đề cập ở trên. Mỗi ký tự trong bảng chữ cái được giới thiệu như một biểu tượng, đại diện cho một nguyên tố trong một câu chuyện trẻ được kể. Chẳng hạn, trẻ có thể nghe một câu chuyện về chàng kỵ sĩ trên đường chinh phục phải vượt qua dãy núi và một thung lũng. Khi đó trẻ sẽ họa một bức tranh với chữ ‘M’ hình thành những ngọn núi ở hai bên chữ ‘V’ thung lũng. (mountains & valley)

Theo cách này, trẻ phát triển mối quan hệ sống động với mỗi ký tự và chữ viết. Nó không khô khan, không trừu tượng. Môn viết được dạy bằng cách thu hút sự tưởng tượng của trẻ.

Sau khi học tất cả những ký tự, bước tiếp theo là sao chép chữ viết của thầy cô. Thông thường trẻ sẽ đọc cho đến khi thuộc một bài thơ, rồi người thầy sẽ viết bài thơ đó lên một bảng phấn để trẻ chép vào trong cuốn ‘những bài học chính’ (main lesson books) của chúng, cuốn sách mà mỗi trẻ trong trường Waldorf tự làm cho mình.

Vì trẻ đã biết bài thơ từ trước và chúng cũng đã học bảng chữ cái, chúng sẽ bắt đầu có sự liên hệ: “Ồ, chữ này phải đánh vần là ‘brown bear’, vì cả hai đều bắt đầu bằng chữ cái ‘B’ & ở đầu bài thơ!”

ĐỌC

Bước cuối là học đọc, nhìn chung bước này sẽ bắt đầu vào lớp hai và tiếp tục được dạy ở lớp ba.

Cần biết rằng việc đọc đòi hỏi kỹ năng giải mã phát triển ở trẻ tại các độ tuổi khác nhau. Trong giáo dục Waldorf chúng tôi hiểu rằng việc học đọc sẽ mở ra một cách tự nhiên, đúng thời điểm, nếu đứa trẻ nhận được sự trợ giúp thích hợp.

Một đứa trẻ bình thường khỏe mạnh sẽ học đi mà không cần dạy (without teaching her), sẽ học nói tiếng mẹ đẻ một cách ‘kỳ diệu’ vào năm ba tuổi mà không cần ‘bài học’ (without lessons), ‘giấy bài tập’ hay từ điển; tương tự như vậy, đứa trẻ sẽ tự học để biết đọc khi có một mối quan hệ đủ tích cực với lời nói và chữ viết. (..so will a child naturally learn to read when she has a postive relationship with the spoken and writen word)

SÁCH

Đúng là nhìn chung trong giáo dục mầm non Waldorf không sử dụng những quyển sách đọc và sách văn phạm. Thay vào đó trẻ sẽ được nuôi dạy bằng văn chương ‘thực’ bắt đầu từ những năm sớm nhất. (Instead, the children are fed real literature starting in the earliest years)

Một khi trẻ đọc xong, chúng chuyển sang những nguồn văn bản gốc như văn học cổ điển và tiểu sử, và những học sinh sẽ đọc rất nhiều sách hay trong suốt những năm trung học.

Tất cả những gì trẻ tránh là đọc từ sớm những thể loại sách dạy ghép từ máy móc như ‘See Spot run’, hoặc những quyển sách giáo khoa khô khan, vô hồn.

CON TÔI

Có thể bạn sẽ thấy khó tin cách mà hệ thống này hoạt động, đặc biệt khi con bạn là những đứa trẻ học ở những trường công, đang đọc ở độ tuổi 5, 6 hoặc 7. Nhưng tôi có thể lấy hai con của mình ra làm ví dụ.

Đứa nhỏ của tôi, Will, tự học đọc khi còn ở nhà trẻ; đứa lớn hơn, Harper, đọc không thạo cho đến khi học lớp ba.

Nhưng chỉ cần kỹ năng giải mã được mở khóa, đứa nào cũng đều trở thành những độc giả tham lam vô độ. Chúng đã ‘nhai nuốt’ hàng chồng sách với niềm vui thích trong suốt thời thơ ấu của mình. Lên trung học, Harper đã đạt phân hạng 98 (98th percentile) cho kỹ năng đọc trong bài thi SAT. (nghĩa là đọc tốt hơn 98% các học sinh đã thực hiện bài kiểm tra này – LND)

Độ tuổi mà con học đọc không sinh ra tình yêu đọc sách cả đời, nhưng tôi tin cách trẻ được giáo dục đã tác động rất nhiều đến điều đó.

Nghĩ về bạn, tôi ước tôi biết những điều này sớm hơn, tôi có thể giúp cô ấy thay đổi nhận thức sai hướng ở trên. Khi đó con cô sẽ giống con tôi, có thể gặt lấy những quả ngọt của giáo dục Waldorf.

đăng ký gửi bé

Cảm ơn Anh/Chị đã quan tâm tới các hoạt động của Wam Nest