TÔN TRỌNG CON LÀ “HIỂU” HAY “HỎI” CON?

“Nhiều phụ huynh thường thắc mắc , không hỏi ý kiến con thì làm sao để con biết con được tôn trọng? Warm Nest xin chia sẻ ý kiến về vấn đề này với góc nhìn và quan điểm dựa trên nhưng hiểu biết về nhu cầu và sự phát triển của trẻ trong giai đoạn mầm non.

🌿TÔN TRỌNG CON LÀ “HIỂU” HAY “HỎI” CON?

Buổi sáng, con mở tủ đồ ra và chọn bộ quần áo mình yêu thích.

Đến bữa ăn con được chọn món mình thích ăn.

Khi chơi, con được chọn món đồ chơi mình mong muốn.

Thế nhưng, bỗng một ngày …

Không bộ đồ nào làm con vừa ý, và buổi sáng giằng co với những bộ quần áo dù con chọn nhưng vẫn không vui. Điều này làm ba mẹ bối rối và khiến tinh thần đầu ngày trở nên tiêu cực.

Không món ăn nào con chịu ăn, và muốn những món khác mà không biết cụ thể là mình muốn ăn món gì.

Con muốn được mua thêm đồ chơi mới, dù nhà đã có nhiều đồ chơi.

Có lẽ, những mẫu chuyện nhỏ như trên không hề xa lạ với nhiều gia đình. Lý do đến từ đâu?

Chúng ta đều hiểu, tôn trọng người khác là hỏi ý kiến và đợi sự đồng ý của người ấy khi làm việc gì liên quan đến người ấy. Nhưng điều này áp dụng lên tất cả những tình huống đối với trẻ mầm non liệu có phù hợp không?

1. Thế nào là tôn trọng con?

Đơn giản thì việc hỏi ý kiến hay để người khác đưa ra quyết định, là cách chúng ta thể hiện sự tôn trọng với người khác. Nhưng người đưa ra quyết định sẽ là người chịu trách nhiệm với kết quả và hậu quả của quyết định ấy. Như vậy chúng ta không thể để trẻ đưa ra quyết định vì rằng trẻ không thể chịu trách nhiệm cũng không hiểu khái niệm trách nhiệm.

Việc hỏi thường khiến trẻ phải suy nghĩ là đã tác động vào phần trí của trẻ, trong khi đó giai đoạn mầm non là giai đoạn tập trung phát triển và hoàn thiện các chức năng của cơ thể vật chất.

Ba mẹ cần hiểu con để đưa ra hay đáp ứng những nhu cầu phù hợp. Việc hiểu ở đây là hiểu tính cách , sở thích cá nhân của con. Hiểu những nhu cầu cần thiết của con tương ứng với từng giai đoạn phát triển. Việc tôn trọng con là hiểu con chứ không đơn thuần là hỏi con.

Ví dụ:

🌿 Khi ba mẹ biết con mệt trong người thì cần hiểu nhu cầu của con là được nghỉ ngơi, chứ không hỏi con “muốn đi chơi hay ở nhà”, trẻ chắc chắn sẽ chọn đi chơi nhưng sau chuyến đi chơi đó thì con sẽ rất đuối và mất sức.

🌿 Ba mẹ biết món ăn lành mạnh tốt cho con thì không hỏi con thích món này hơn hay đồ ăn chế biến sẵn hơn?

🌿 Hôm nay trời lạnh hơn thì mặc quần áo dài tay sẽ tốt hơn mặc váy và quần đùi, ba mẹ lấy quần áo phù hợp đưa cho con chứ không cần hỏi con thích bộ đồ nào nữa.

Hạn chế việc hỏi khiến con phải suy nghĩ, trong trường hợp ba mẹ đã biết chắc câu trả lời hoặc lựa chọn của con rồi.

Hạn chế đưa ra quá nhiều lưa chọn khiến con bối rối, nếu con muốn lựa chọn thì hãy để lại chỉ hai món con thích nhất. Nếu ba mẹ muốn giao tiếp với con, thì nên nói những câu khẳng định về hành động sẽ làm, với thái độ nhẹ nhàng yêu thương, chứ không đặt ra nhiều câu hỏi lựa chọn đợi con trả lời.

Những chia sẻ trên đây không có nghĩa là chúng ta hoàn toàn quyết định hết tất cả mọi thứ, âm thầm làm mọi việc cho con và không nói gì với con. Khi con phát triển đến từng giai đoạn, thì ba mẹ có thể đưa ra những câu hỏi với số lượng lựa chọn phù hợp. Hoặc trao cho con quyền quyết định trong tình huống thích hợp.

Ví dụ : Khi đưa con đến tham quan trường mới, chỉ dựa trên câu trả lời ‘Con có thích trường không?’ để ba mẹ đưa đến quyết định cho con đi học ở nơi đó hay không là tình huống không phù hợp.

2. Làm sao để hiểu con?

Ba mẹ sẽ có lúc không nhất quán trong những tình huống tương tự ( vì lý do sức khỏe, vì tác động ngoại cảnh từ công việc đến các mối quan hệ,..), con sẽ bị rối. Trong trường hợp hỏi con mà không làm theo ý con thì sẽ khiến con mâu thuẫn, vì sao lúc khác mình hỏi thì được đáp ứng, lúc này mình hỏi lại không được. Trẻ sẽ không hiểu giới hạn về việc khi nào được hay không. Làm sao để tránh điều này? Hay nói cách khác là làm sao để hiểu con?

🌿 Mỗi gia đình cần có nhịp sinh hoạt ổn định, hợp lý cho tất cả các thành viên. Lối sống lành mạnh và nhịp điệu an ổn mang lại sức khỏe vật chất và tinh thần tốt cho tất cả thành viên trong gia đình. Khi có nhịp điệu sinh hoạt ổn định thì ba mẹ và con đều chủ động trong sự bận rộn của công việc lẫn cuộc sống gia đình . Khi có nhịp điệu rõ ràng, cả gia đình có thời gian bên nhau thật sự chất lượng, đây là những lúc ba mẹ có thể hiểu con.

🌿 Tìm hiểu về nhu cầu phát triển của con theo giai đoạn độ tuổi qua sách báo có chọn lọc và từ các nguồn tin cậy.

🌿 Tạo kết nối với con bằng cách :

  • Đặt điện thoại xuống và giao tiếp thật sự với con, lắng nghe con, với ánh nhìn và cử chỉ yêu thương .
  • Dành thời gian vỗ về và massage
  • Kể chuyện, đọc thơ, hát cho con nghe.
  • Cùng con ấu ăn hoặc làm việc nhà.

đăng ký gửi bé

Cảm ơn Anh/Chị đã quan tâm tới các hoạt động của Wam Nest